This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Bảo vệ nhũ hoa trước “kẻ giết người thầm lặng”

Ung thư vú là một loại ung thư có thể phát hiện được rất sớm. Muốn làm được điều đó cần thực hiện:

1. Khám vú định kỳ: đối với những phụ nữ khỏe mạnh từ 35 tuổi trở lêndù không có bất kỳ triệu chứng gì cũng cần khám kiểm tra vú định kỳ, kể cả khám phụ khoa hàng năm. Tốt nhất là 3 tới 6 tháng khám 1 lần, nhất là những nữ giới có yếu tố nguy cơ.

2. Siêu âm vú 3 - 6 tháng một lần: việc làm cần thiết, vì là phương tiện chẩn đoán tốt, không xâm lấn, không đau, giá cả phù hợp túi tiền người Việt Nam. Đa số nhũ người Việt Nam có kích cỡ vừa, ít mỡ, không to như người châu u, nên siêu âm là có giá trị cao. Bên cạnh đó, nhũ ảnh cũng là phương tiện tốt để giúp chúng ta phát hiện sớm ung thư vú và nó có thể phát hiện được ung thư vú ở giai đoạn không có triệu chứng, là phương tiện có giá trị cao, nhất là đối với người có cặp nhũ to và nhiều mỡ.

3. Tự khám vú: được đề nghị thực hiện với mọi phụ nữ trên 20 tuổi. Phụ nữ nên khám ngực mình từ ngày thứ 8 của chu kỳ kinh hay sau khi sạch kinh với nhịp độ mỗi tháng một lần. Khi tự khám đều đặn, chị em sẽ biết tình trạng mỗi bên vú nên rất dễ phân biệt được đâu là bình thường, đâu là bất thường.

Tự khám vú được đề nghị thực hiện với mọi phụ nữ trên 20 tuổi

Ngoài phương pháp tự kiểm tra đôi nhũ, bản thân cần có chương trình kế hoạch khám nhũ và phụ khoa định kỳ, trong đó xét nghiệm tầm soát tìm dấu ấn của ung thư vú, để giúp phát hiện sớm qua xét nghiệm CA 15 - 3.

Khi cần thiết có thể làm thêm tế bào học bệnh lý tuyến vú, là phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, với tên khoa học Fine Needle Aspiration, viết tắt là FNA. Phương pháp này có các ưu điểm là đơn giản, tương đối chính xác, thực hiện nhanh, ít tốn kém, an toàn, kết quả sẽ có ngay trong lần khám bệnh đầu tiên. Chụp X-quang tuyến vú còn gọi là nhũ ảnh, khi có chỉ định của bác sĩ, là phương pháp dùng tia X với tầng số thấp để chụp, vì là tia X nên có tác hại nhất định. Đây là phương pháp tốt để giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn rất sớm, thường được chỉ định thích hợp với người có cặp nhũ dày, nhiều mỡ, nên được ưa chuộng ở nữ giới các nước phương tây, khi chụp đúng kỹ thuật là ép dẹp ở mỗi vú, gây đau nên đa số nữ không ưa chuộng phương pháp này.

Về phòng bệnh, tránh căng thẳng trong công việc, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn ít chất béo động vật, hạn chế ăn những thực phẩm lên men có nhiều nitrit, nitrat, nitrozamin; bổ sung khẩu phần ăn nhiều rau quả và trái cây chứa nhiều b caroten, không ăn những thực phẩm mốc (gạo, đậu, lạc…), thực phẩm có phun thuốc trừ sâu; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để chống béo phì, hạn chế dùng thuốc nội tiết tố nữ thay thế kéo dài ở thời kỳ mãn kinh; siêu âm vú hoặc chụp nhũ ảnh định kỳ, có thể làm thêm các xét nghiệm bổ sung theo khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Nhận biết và xử trí khi progesterone cao

Tuy nhiên, có những trường hợp, progesterone cao có thể do các nguyên nhân khác. Mức progesterone cao có thể dẫn đến một loạt các phản ứng không mong muốn.

Các triệu chứng của progesterone cao

Sự mất cân bằng hormon này có thể dẫn đến nhiều phản ứng phụ tiêu cực. Khi nồng độ progesterone cao cơ thể sẽ có các triệu chứng như: lo lắng, đầy hơi, đau ngực, trầm cảm, mệt mỏi, mất ham muốn tình dục, tâm trạng dễ thay đổi, yếu cơ, khô âm đạo.

Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm: mụn trứng cá, da nhờn, nhức đầu, nóng bừng, mất kiềm chế, nhiễm trùng niệu, tăng cân.

Các xét nghiệm đánh giá mức progesterone cao

Biểu đồ nhiệt độ nền cơ thể BBT (Basal body temperature): Nhiệt độ nền cơ thể hoặc biểu đồ BBT, là quá trình ghi lại nhiệt độ cơ thể khi nghỉ ngơi mỗi ngày để nắm bắt thông tin liên quan chu kỳ kinh nguyệt. Sau khi rụng trứng, ở phụ nữ có tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể nhưng ổn định và tăng nhẹ. Nếu nhiệt độ không đều hoặc liên tục cao, có thể có mức progesterone cao.

Độ dài thời gian của giai đoạn hoàng thể (luteal phase): Nếu thời gian rụng trứng ít hơn 11 ngày trước khi có kinh, đây có thể là dấu hiệu của khiếm khuyết liên quan đến giai đoạn hoàng thể. Rụng trứng có thể được phát hiện thông qua việc sử dụng một thiết bị dò rụng trứng, hoặc biểu đồ BBT.

Kiểm tra hormon tuyến nước bọt: Các xét nghiệm nội tiết có thể được thực hiện thông qua kiểm tra nước bọt. Sau khi phân tích nước bọt, phòng xét nghiệm có thể xác định được mức progesterone thấp hay cao.

Kiểm tra hormon trong máu: Mặc dù xét nghiệm hormon của nước bọt có thể tiện ích và không xâm nhập so với xét nghiệm hormon trong máu, nhưng xét nghiệm hormon trong máu có thể giúp xác định một số thông tin quan trọng của cơ thể bạn.Ăn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có thể cải thiện tình trạng progesterone cao (không do thai nghén).

Ăn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có thể cải thiện tình trạng progesterone cao (không do thai nghén).

Thời điểm kiểm tra mức progesterone tốt nhất

Nếu có bất kỳ triệu chứng liên quan đến sự mất cân bằng hormon, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra mức progesterone. Thời gian tốt nhất để thực hiện kiểm tra là 7 ngày sau khi rụng trứng hoặc 7 ngày trước khi khi có kinh nguyệt. Vào những thời điểm này, có nhiều khả năng phát hiện mức đỉnh của progesterone.

Mức progesterone cao trong thai kỳ sớm

Nồng độ progesterone cao thường gặp đối với phụ nữ mang thai. Khi bào thai phát triển, nồng độ progesterone cũng tăng lên. Sự gia tăng progesterone có thể khiến bà mẹ cảm thấy kiệt sức và làm chậm tốc độ tiêu hóa thức ăn gây ra táo bón.

Trong thời kỳ mang thai, nếu mức progesterone tăng quá cao, có thể gợi ý có tình trạng đa thai song sinh hoặc sinh ba...

Mức progesterone tăng cũng có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung và đôi khi gặp trong ung thư buồng trứng.

Cách xử trí với mức progesterone cao

Thay đổi lối sống: Thông thường bước đầu tiên để duy trì sự cân bằng của hormon là thay đổi lối sống thích hợp. Tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh, cùng với các thực hành giảm stress như thiền và yoga, không những giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến nồng độ progesterone cao, mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể và tinh thần. Một số nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm các triệu chứng liên quan đến sự mất cân bằng progesterone bằng cách ăn các thực phẩm làm tăng lượng estrogen cho cơ thể như đậu nành, anh đào, khoai tây, lúa mì, gạo, táo.

Giải pháp thảo dược: Một số phụ nữ có thể muốn thử các liệu pháp thảo dược để kiểm soát các triệu chứng liên quan đến mức progesterone cao. Hai loại thảo mộc có khả năng hiệu quả nhất là các loại thảo mộc chứa nhiều hợp chất phytoestrogen và các loại thảo mộc không estrogen.

Các loại thảo mộc chứa phytoestrogen, chẳng hạn như thiên ma (black cohosh), cung cấp hợp chất estrogen từ thực vật cho cơ thể, giúp loại trừ sự mất cân bằng hormon. Lưu ý chỉ được sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ.

Các loại thảo mộc không estrogen, như macafem, trái ngược với loại thảo mộc chứa phytoestrogen. Những loại thảo mộc không estrogen hỗ trợ các tuyến nội tiết tăng sản xuất hormon. Các loại thảo mộc này được xem là ít gây khó chịu nhất và an toàn nhất để điều trị chứng mất cân bằng progesterone. Lưu ý chỉ được sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ.

Liệu pháp thay thế hormon: Hình thức trị liệu này liên quan đến việc sử dụng thuốc chứa hormon để giải quyết sự mất cân bằng của progesterone. Cần lưu ý rằng liệu pháp thay thế hormon có nhiều tác động tiêu cực và có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, ung thư vú, đột quỵ và bệnh tim.

BS. Thanh Hoài

Mẹo kiểm soát huyết áp trong thai kỳ

Nếu huyết áp không được điều chỉnh và trở về mức bình thường ở tuần 20 của thai kỳ, có thể xảy ra tiền sản giật. Đây là một tình trạng nguy hiểm ảnh hưởng lên não và thận, đồng thời phá hủy các cơ quan khác trong cơ thể.

Huyết áp cao thường gây tiền sản giật sẽ có các triệu chứng như protein niệu, sưng phù bất thường ở bàn tay, bàn chân và đau đầu dai dẳng. Nó có thể ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của trẻ, kết quả là trẻ có thể bị thiếu cân. Vì vậy, cách tốt nhất là phải kiểm soát huyết áp bằng mọi cách. Dưới đây là những mẹo giúp bạn kiểm soát huyết áp trong thai kỳ.

Ăn muối vừa phải

Dùng quá nhiều muối không tốt cho thai kỳ. Bạn chỉ nên dùng 3g muối nếu đang bị cao huyết áp.

meo-kiem-soat-huyet-ap-thai-ky

Uống nhiều nước hoa quả là cách tốt giúp cắt giảm muối và đường

Bổ sung nước hoa quả

Hãy tạo thói quen uống nhiều nước trong ngày vì đây là thói quen tuyệt vời giúp giảm huyết áp. Bạn có thể lựa chọn nước hoa quả hoặc nước ép rau không muối và đường.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Bạn càng ăn uống lành mạnh, thai nhi sẽ càng khỏe mạnh. Bạn có thể nhận được axit alpha-linolenic từ đậu nành, quả óc chó, hạt lanh và các loại rau lá xanh sẫm như rau bina. Bằng cách bổ sung những loại thực phẩm này trong chế độ ăn, bạn có thể kiểm soát được huyết áp một cách tự nhiên không cần dùng thuốc.

Tăng cường bổ sung thực phẩm omega-3

Cần tăng cường bổ sung axit béo omega-3 nếu bạn đang phải chống lại cao huyết áp trong thai kỳ. Những loại thực phẩm như dầu gan cá tuyết, quả óc chó, đậu phụ, cá mòi, v.v... là những lựa chọn tốt.

Dùng các chế phẩm bổ sung tự nhiên

Một trong những chất bổ sung tự nhiên tốt nhất có thể giúp hạ huyết áp trong thai kỳ là cacao. Một khẩu phần cacao chứa các flavanoid giúp kích thích cơ thể sản sinh oxit nitric, tăng cường máu lên não và toàn cơ thể, tạo điều kiện để điều chỉnh huyết áp.

Sử dụng thảo dược

Có một số loại thảo dược có tác dụng kỳ diệu trong kiểm soát huyết áp cao. Tỏi giúp giảm co thắt động mạch, thay đổi nhịp tim và làm chập nhịp tim, từ đó giảm huyết áp cao.

Đi bộ

Đi bộ có thể giải quyết nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là cao huyết áp. Khi bạn đi bộ, hãy hít thật sâu và thở ra. Bước các bước nhỏ và suy nghĩ tích cực sẽ giúp giảm và kiểm soát huyết áp.

BS. Tuyết Mai/Univadis

(theo Boldsky)

Lợi ích tuyệt vời của tập thể dục với mẹ bầu

Nếu bạn đã có bầu, xin chúc mừng bạn. Giờ có phải là lúc bạn nên ngồi xuống, thư giãn và không hoạt động đôi chân trong vòng 9 tháng tới hay không? Không đâu. Quan điểm về tập thể dục khi mang thai đã thay đổi trong vòng 20 năm qua. Giờ đây, người ta không còn coi thời gian mang thai chỉ có ngồi xem TV và nhấm nhá socola nữa.

Hiện nay, việc duy trì tập thể dục khi có bầu được khích lệ, đặc biệt đối với một số bài tập có tác dụng cải thiện tâm trạng và năng lượng, giúp bà bầu ngủ ngon giấc, giúp phòng tránh quá cân, tăng cường thể lực và sự dẻo dai.

Tập thể dục đều đặn trong khi mang thai có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe tim mạch, sức chịu đựng cũng như sức khỏe tổng thể. Duy trì một cơ thể khỏe mạnh và tăng cân lành mạnh có thể giảm các triệu chứng mang thai thường thấy như đau tim hay buồn phiền, đau lưng vùng dưới, mệt mỏi, táo bón và thậm chí giúp bạn bớt bị đau đẻ.

Trước khi thực hiện các bài tập trong lúc có bầu, trước hết bạn nên xin tư vấn của bác sĩ sản khoa đang theo dõi bạn. Nếu bạn đang tập luyện đều đặn và mang thai khỏe mạnh, việc tập luyện sẽ không phải là vấn đề nếu bạn tập luyện ở mức độ nhẹ nhàng vừa phải. Bạn có thể điều chỉnh mức độ tập luyện theo chu kỳ mang thai 3 tháng một. Nếu bạn không tập luyện đều đặn 3 lần 1 tuần trước khi mang thai, bạn đừng nên chọn ngay dạng tập luyện mới và phải dùng sức. Hãy bắt đầu tập luyện nhẹ nhàng từ từ.

Việc tập luyện nhẹ nhàng trong quá trình mang thai có thể giúp em bé có một khởi đầu khỏe mạnh.

Đi dạo là cách tập thể dục tốt nhất trong quá trình mang thai.

Lợi ích tuyệt vời của tập thể dục với phụ nữ mang thai

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ mang thai khỏe mạnh tập thể dục trong suốt quá trình mang thai có thể có những lợi ích sức khỏe tuyệt vời như sau:

- Giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tăng huyết áp thai kỳ

- Ít bị sinh non và đau đẻ sớm

- Quá trình sinh con sẽ diễn ra nhanh hơn

- Dễ sinh con tự nhiên hơn (nên tỷ suất sinh mổ thấp hơn)

- Ít phải dùng liệu pháp giảm đau khi đẻ hơn

- Hồi phục sau sinh mau hơn

Nói chung việc tập luyện không chỉ giúp mang thai khỏe mạnh hơn, nó còn giúp trẻ sơ sinh có một khởi đầu khỏe mạnh hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi phụ nữ mang thai tập thể dục, thai nhi đang lớn lên trong bụng sẽ có nhịp tim chậm hơn. Thai nhi của những người mẹ chăm vận động cũng sẽ có cân nặng lành mạnh, giảm mỡ thừa, tăng khả năng chống chọi stress, và có hệ thần kinh hành vi phát triển hoàn chỉnh và trưởng thành hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày hầu như hàng ngày. Đa phần các bài tập an toàn để thực hiện khi bạn mang thai, miễn là khi tập bạn thận trọng một chút và không tập quá sức.

Luôn bắt đầu bằng các động tác khởi động cơ thể trong vòng 5 phút và kéo dài thêm 5 phút nữa. Tùy thuộc vào dạng bài tập mà bạn lựa chọn, kết thúc bằng bài tập nhẹ nhàng, chậm rãi từ từ khoảng 5-10 phút.

Lưu ý đối với các bà bầu

Tránh các bài tập phải tỳ vào bụng hay bài tập mặt phẳng lưng sau 3 tháng đầu mang thai.

Cần uống đủ nước hoặc nước hoa quả trước, trong quá trình tập và sau khi tập thể dục.

Tránh quá nóng nực và ra mồ hôi nhiều, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai, khi thai nhi đang trong quá trình phát triển quan trọng nhất.

Ngừng tập luyện ngay nếu bạn thấy mệt, thấy đau thường xuyên hay bị chảy máu âm đạo. Kiểm tra sức khỏe với bác sĩ thai sản nếu co bóp thường xuyên xảy ra hơn 30 phút sau khi tập thể dục (có khả năng là dấu hiệu sinh non).

Tránh động tác tập tạ nặng và các bài tập dùng sức nhiều.

Tránh các bài tập áp suất không khí nhiều như nhảy dù hay lặn biển (trừ khi bạn là vận động viên chuyên nghiệp hay đã quá quen hoặc có thể thích nghi với các bài tập đó).

Không được tăng cường độ luyện tập so với lúc trước khi mang thai.

Về ăn uống, nên chia thành nhiều bữa nhỏ, ăn đều suốt cả ngày. Theo Hội nghị y tế Nhi khoa và Sản phụ khoa Hoa Kỳ, một phụ nữ mang thai có cân nặng bình thường tập thể dục ít hơn 30 phút 1 tuần nên cố gắng nạp lượng calo khoảng 1800 trong suốt giai đoạn 3 tháng mang thai đầu tiên, 2200 trong 3 tháng tiếp theo và 2400 trong 3 tháng thai kỳ cuối cùng.

Các dạng bài tập an toàn nhất và tốt nhất dành mẹ bầu

Dạng bài tập tốt nhất khi mang thai:

- Là bài tập giúp tăng nhịp tim đều đặn và cải thiện lưu thông máu

- Giúp bạn năng động và uyển chuyển

- Hỗ trợ tăng cân lành mạnh và ngăn ngừa tăng cân quá nhiều bằng cách đốt cháy calorie

- Chuẩn bị cho cơ bắp sẵn sàng khi sinh nở

- Dạng bài tập này cũng không khiến cơ thể bạn cảm thấy nặng nề.

Các hoạt động thể chất an toàn nhất và mang lại nhiều lợi ích cho các mẹ bầu là đi bộ, bơi lội, đạp xe trong nhà, yoga dạng bài tập dành cho bà bầu, và aerobic nhẹ nhàng (dạng thiết kế cường độ thấp dành cho bà bầu có hướng dẫn viên chuyên dụng). Các hoạt động thể chất này có mức độ rủi ro chấn thương tương đối thấp, có tác động tích cực lên toàn thân, và có thể thực hiện cho tới khi bạn sinh con.

Hướng dẫn cơ bản khi tập thể dục dành cho mẹ bầu

- Mặc quần áo rộng rãi thoải mái, mặc áo lót thoải mái dành cho bà bầu.

- Chọn giày phù hợp được thiết kế hỗ trợ dành cho môn thể dục mà bạn đang tập. Điều này giúp bạn tránh chấn thương.

- Nên tập luyện ở bề mặt phẳng, đảm bảo cân bằng để tránh chấn thương.

- Ăn lần cuối ít nhất 1 tiếng trước khi tập thể dục, để tránh bị đau dạ dày.

- Nên đứng dậy chậm rãi và từ từ để tránh bị chóng mặt.

- Không bao giờ được tập đến mức mệt mỏi. Bạn có thể nói chuyện bình thường trong khi tập luyện. Đặc biệt không được gắng sức quá, nên tập luyện nhẹ nhàng và từ tốn.

LiLy

(theo Medical News Today)

Giảm phù nề khi mang thai

Phù nề có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, tùy thuộc vào cơ địa từng thai phụ, nhưng nó thường phổ biến ở tháng thứ 5 và tăng lên vào 3 tháng cuối thai kỳ. Vậy cần làm thế nào để giảm phù nề khi mang thai?

Nguyên nhân gây phù khi mang thai

Phổ biến nhất là do đứng lâu; chế độ ăn ít kali (kali giúp duy trì chất lỏng và chất điện giải trong tế bào cơ thể. Do khối lượng máu tăng thêm 50% khi mang thai nên cơ thể cũng cần tăng chất điện giải, giữ cân bằng các hóa chất trong hàm lượng chất lỏng tăng thêm); tiêu thụ nhiều caffein; ăn nhiều muối; làm việc vất vả; thời tiết nóng bức.

Vận động, tập thể dục thể thao đúng cách khi mang thai sẽ giúp giảm và tránh phù nề. Ảnh: P. Thảo

Phù nhẹ là dấu hiệu hết sức bình thường khi mang thai, tuy nhiên nếu bị phù đột ngột ở tay và mặt thì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Thai phụ cần đến gặp bác sĩ ngay nếu bị phù đột ngột.

Những gợi ý giảm, tránh phù nề

Dấu hiệu sau nhận biết bị thiếu kali: do nôn (hoặc tiêu chảy) mạn tính, cơ thể mệt mỏi, hay bị chuột rút, táo bón và nhịp tim bất thường. Và tốt nhất bạn hãy thăm khám bác sĩ để được xác định kịp thời.

Nếu bị phù nề do thiếu kali thì hãy nhanh chóng bổ sung kali vào thực đơn hàng ngày. Một số món ăn giàu kali thai phụ có thể ăn như: hoa quả, rau xanh, thịt gà, thịt đỏ, cá, sữa, sữa chua, sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt, khoai lang nướng cả vỏ, rau chân vịt, quả mơ khô, nước cam, dưa hấu...

Giữ cho cơ thể luôn đủ nước: Uống đủ nước khi mang bầu giúp các hệ tiêu hóa, tiết niệu… hoạt động tốt; đồng thời, phòng tránh được quá trình tích trữ chất lỏng, gây phù.

Ăn nhạt: Muối, đồ ăn mặn làm cơ thể bị trữ nước. Vì thế, nếu có thói quen ăn mặn thì nhất thiết phải hạn chế trong thời kỳ mang thai để tránh hiện tượng phù nề.

Tránh mặc quần áo chật, tránh đi tất, giầy chật, đặc biệt là những đôi giày, tất thít chặt lấy cổ chân vì nó càng làm cho hiện tượng phù nề gia tăng.

Thai phụ nên năng vận động, tập thể dục thể thao trong thai kỳ vì điều này sẽ giúp giảm và tránh phù nề. Một số hoạt động được coi là an toàn cho thai phụ như đi bộ, bơi lội, aerobic... Những động tác giãn cơ cũng có tác dụng chống lại phù nề một cách hiệu quả.

Ngoài ra, để không bị phù chân, thai phụ nên để chân được nghỉ ngơi ngay khi có thể và tránh đứng trong một thời gian dài. Khi ngồi, cần chắc chắn là cả cơ thể và bụng bầu ở tư thế thoải mái, ngay ngắn. Có thể kê chân lên gối hoặc một cái bục.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu sưng phù không giảm qua vài đêm hoặc sau một vài tiếng thấy phù nặng đến tay, mặt hoặc các bộ phận khác của cơ thể, hãy đi gặp bác sĩ. Đôi khi, phù có thể tăng do nhiệt nhưng một cuộc kiểm tra sức khỏe sẽ giúp thai phụ yên tâm hơn.

Bác sĩ Trần Thu Hương


Cẩn trọng với bệnh cúm khi mang thai

Thời tiết đang rất thất thường, khi thì ấm và khô, lúc lại lạnh ẩm, là điều kiện cho các loại virut cúm phát triển và lan nhanh. Bệnh cúm đối với người bình thường đã đáng ngại, với bà bầu thì lại càng phức tạp hơn. Vì virut cúm có thể gây một số tác hại đối với thai nhi, nhất là những trường hợp không có biện pháp điều trị bệnh phù hợp.

Bệnh cúm là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, do virut gây ra. Virut cúm rất dễ lây từ người này sang người khác, qua các hạt bụi nước nhỏ có chứa virut do người bị bệnh ho hay hắt hơi hay có thể lây do tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, tiếp xúc với đồ vật có chứa virut.

Người mắc bệnh cúm thường có các biểu hiện như: sốt tương đối cao (trên 39 độ), lúc nóng, lúc lạnh, đau đầu, toàn thân nhức mỏi, kèm theo đó là các triệu chứng như ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng... khiến cho thể lực của người bệnh tiêu hao nhiều và hồi phục chậm.

Vì sao bà bầu dễ mắc cúm?

Các bệnh truyền nhiễm do virut, vi khuẩn là nguy cơ hàng đầu đối với phụ nữ mang thai, trong đó có bệnh cúm. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch. Phụ nữ mang thai do có nhiều thay đổi về cơ thể, đặc biệt, do có sự thay đổi về nội tiết, hệ thống miễn dịch của thai phụ bị suy giảm nhiều so với người bình thường khiến sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật cũng bị yếu đi, cơ thể thai phụ đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh nên rất dễ bị nhiễm bệnh.Thăm khám cho thai phụ. Ảnh: TM

Thăm khám cho thai phụ. Ảnh: TM

Ở phụ nữ mang thai, khi mắc cúm thường nặng hơn và thời gian bị bệnh cũng thường kéo dài hơn... Điều đáng lo ngại là không chỉ cúm mà hầu hết những bệnh do virut gây ra thì ở phụ nữ mang thai thường bị kéo dài hơn ở những phụ nữ khác. Trung bình một trường hợp bệnh cúm có thể kéo dài từ 3 - 4 ngày. Nhưng với phụ nữ mang thai có thể lâu hơn vài ngày. Một nguy cơ của bệnh cúm đó là bệnh cúm có thể dẫn đến viêm phổi do virut. Vì phụ nữ mang thai có nhu cầu ôxy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi, do đó, viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn nhiều. Còn các triệu chứng khác như sốt, ho khi bị cúm ở thai phụ không nặng hơn ở những phụ nữ khác. Tỷ lệ tử vong của cúm cũng tăng lên nhiều đối với phụ nữ mang thai.

Cúm nguy hiểm với thai nhi thế nào?

Bị cúm khi mang thai là một trong những nỗi lo sợ nhất của các bà bầu. Virut của dịch cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật (nhất là khi mẹ bị cúm trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ), mà khi sốt cao cộng với độc tính của virut cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

Phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi. Thai phụ bị cúm có thể dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hở hàm ếch, tim bẩm sinh (hở van tim) và gây ra một số khiếm khuyết trên cơ thể... Đồng thời đã có những khẳng định có mối tương quan giữa sự nhiễm cúm của người mẹ khi mang thai với nguy cơ rối loạn tâm thần ở trẻ. Bởi não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong 5 tháng đầu. Nguyên nhân của hiện tượng này là: Các kháng thể cúm của mẹ lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai. Cộng với sự hiện diện của gene của virut cúm và thân nhiệt của mẹ tăng cao khi bị bệnh, là những yếu tố tác động xấu đến não bộ của thai nhi. Đặc biệt, các thuốc trị cúm cũng có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương của bào thai.

Phương pháp phòng tránh cúm cho thai phụ

Các bà bầu cần chú ý đề phòng nguồn lây bệnh, tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm và gia cầm tươi sống, không nên đến những nơi công cộng.

Để phòng tránh cảm cúm, bà bầu nên tích cực ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C, uống nhiều nước, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Thai phụ có thể súc miệng bằng nước muối thường xuyên. Uống nhiều nước để làm loãng đờm và thải độc tố. Uống chút mật ong thêm gừng hoặc chanh nóng để làm sạch vùng họng. Bà bầu phải luôn luôn giữ gìn sức khỏe, hạn chế ra ngoài trời khi mưa nắng thất thường. Trong khi ngủ, nên đề phòng bị ngạt mũi bằng cách không nằm thẳng luồng gió thổi vào mặt, lấy một chiếc khăn mỏng đặt lên cổ. Tra thuốc nhỏ mũi.

Khi đã bị mắc cúm thì thai phụ cần kịp thời có biện pháp khống chế bệnh, không để lây sang người khác, loại trừ mầm bệnh nhanh chóng, đồng thời áp dụng các biện pháp hạ sốt thích hợp cho mình như: dùng khăn lạnh hay chườm đá lên vùng trán, uống nhiều nước ấm, chú ý nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể. Hãy luôn nhớ là chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Mọi loại thuốc do tự ý sử dụng đều ít nhiều có sự nguy hại đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Nhiều loại thuốc trị cúm có thể dùng cho người bình thường, nhưng khi dùng cho bà bầu có thể dẫn đến sẩy thai, dị tật thai nghén, nhiễm độc thai nghén... Vì vậy, khi thai phụ có những triệu chứng của mắc cúm thì cần đi khám bác sĩ ngay để có hướng điều trị cụ thể, không được tự ý dùng thuốc bừa bãi.

BS. HẠNH NGUYỄN

Ảnh hưởng của u xơ tử cung với khả năng sinh sản

U xơ tử cung tuy lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng và có ảnh hưởng nhất định tới khả năng sinh sản của chị em.

U xơ tử cung là loại u chịu ảnh hưởng kích thích của nội tiết tố buồng trứng. Khi oestrogen trong cơ thể tăng cao, u xơ tử cung thường to ra, điển hình nhất là trong thai kỳ, do nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ tăng cao nên kích thước khối u sẽ to ra, sau khi sinh xong, nội tiết tố giảm xuống và kích thước khối u cũng giảm xuống từ từ.

Biến chứng do u xơ tử cung

U xơ tử cung có thể gây các biến chứng trong thai kỳ như đau bụng âm ỉ hoặc đau nhẹ như đau bụng kinh, có xuất huyết nhẹ. Các u nằm trong cơ tử cung dễ bị hoại tử do tắc nghẽn một mạch máu nuôi khối u hoặc do u xơ bị chèn ép không to ra được. Biến chứng này ít có biểu hiện nên người bệnh khó biết, đôi khi có đau bụng, sốt nhẹ. Chỉ điều trị bằng thuốc thường là các triệu chứng sẽ hết.

Các biến chứng khác do u xơ tử cung: Xuất huyết trong khối u hoặc xuất huyết vào trong ổ bụng; xoắn u xơ có cuống hoặc xoắn cả tử cung có mang khối u xơ; có dấu hiệu bất thường ở đường tiểu thường là do bàng quang bị kéo lên cao; nhiễm khuẩn hoại tử do vi khuẩn yếm khí trong thời kỳ hậu sản (hiếm xảy ra nhưng thường rất nặng).U xơ tử cung ảnh hưởng tới khả năng đậu thai và quá trình mang thai.

U xơ tử cung ảnh hưởng tới khả năng đậu thai và quá trình mang thai.

U xơ tử cung kích thước lớn ảnh hưởng khả năng sinh sản

Khi u xơ tử cung đạt đến một kích thước đủ lớn, chúng có thể gây ra các triệu chứng như: rối loạn kinh nguyệt, băng kinh, vô sinh, đau hoặc gây áp lực lên vùng chậu và các cơ quan lân cận khác. Khoảng 55% u xơ tử cung nằm dưới thanh mạc tử cung hoặc có cuống; 40% nằm trong lớp cơ tử cung và 5% dưới niêm mạc tử cung. Thông thường, u xơ tử cung nằm dưới niêm mạc và trong lớp cơ tử cung gây ra tình trạng rong kinh. Có nhiều nghiên cứu khẳng định rằng, u xơ tử cung nằm dưới niêm mạc có thể giảm tỉ lệ mang thai xuống còn khoảng 35% và tăng tỉ lệ sẩy thai lên hơn 65%. Mặt khác, u xơ tử cung chỉ có cuống hoặc nằm dưới lớp thanh mạc tử cung lại không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hay gây sẩy thai. U xơ nằm trong lớp cơ tử cung làm giảm khả năng sinh sản.

Vậy u xơ tử cung có ảnh hưởng tới cơ hội thụ thai của nữ giới? Câu trả lời là có hoặc cũng có thể không. Bởi điều này phụ thuộc vào vị trí và kích thước khối u xơ.

Nhiều phụ nữ bị u xơ tử cung vẫn có thai và khối u chỉ được phát hiện trong quá trình siêu âm thai định kỳ. Tuy nhiên, ở một số khác, u xơ tử cung lại có thể là yếu tố gây cản trở khả năng sinh sản. Người ta ước tính rằng, bệnh này ảnh hưởng tới khoảng 5 - 10% các trường hợp hiếm muộn.

U xơ tử cung có thể gây hiếm muộn do làm thay đổi lớp nội mạc tử cung, không thuận lợi cho sự làm tổ của trứng thụ tinh. Nó cũng có thể chèn ép, làm gập vòi trứng hoặc làm bít lỗ cổ tử cung. Với những người đã mang thai, nó có thể làm sẩy thai liên tiếp do lớp nội mạc không phát triển đầy đủ và do buồng tử cung bị chèn ép, không phát triển to ra được. Sẩy thai trên tử cung có u xơ thường gây xuất huyết nhiều vì dễ sót rau và tử cung co hồi kém.

U xơ tử cung cũng có thể gây sinh non, dễ làm cho ngôi thai bất thường, rau bám ở vị trí bất thường (rau tiền đạo, rau cài răng lược). Nó cũng làm kéo dài cơn chuyển dạ... Trong khi chuyển dạ: Thai phụ bị u xơ tử cung thường làm quá trình chuyển dạ kéo dài và khó khăn. Đặc biệt, những khối u to, nằm ở vị trí tiền đạo có thể làm cho sản phụ không sinh được, phải mổ. Khi sổ rau, sản phụ có u xơ tử cung dễ băng huyết do sót rau hoặc do tử cung co hồi kém.

Trong thời kỳ hậu sản, thường là u xơ sẽ nhỏ lại, không gây biến chứng gì. Tuy nhiên, cũng có khi nó gây biến chứng nhiễm khuẩn, nhất là đối với các u xơ dưới niêm mạc. Những u xơ có cuống dễ gây biến chứng xoắn do ổ bụng rỗng đột ngột.

Vì vậy, những thai phụ có u xơ tử cung cần được theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ, phòng ngừa sẩy thai, sinh non bằng cách nghỉ ngơi nhiều, dùng thuốc chống co bóp tử cung. Nếu sẩy, nên nạo kiểm tra buồng tử cung để tránh sót rau.

Tâm Anh